Về phía huyện có đ/c Nguyễn Minh Hùng – TUV – Bí thư HU – Chủ tịch HĐND huyện, Nguyễn Vĩnh Sơn – Phó bí thư TTHU, Nguyễn Thị Liễu – Phó bí thư HU – Chủ tịch UBND huyện. Lãnh đạo các sở ngành chức năng và địa phương.
Tính đến ngày 11/3, trên địa bàn huyện Kinh Môn đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại 4 xã, thị trấn là Hiến Thành, Minh Hòa, Hiệp Sơn, TT Kinh Môn với tổng số lợn đã tiêu hủy 334 con. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, khẩn trương thực hiện công tác bao vây, dập dịch: tiêu hủy toàn bộ lợn nhiễm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; lập các chốt kiểm dịch và giám sát chặt chẽ tình hình đàn lợn tại các địa phương; yêu cầu trong thời gian có dịch tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với bệnh và các sản phẩm ra vào vùng dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn châu phi.
Tại buổi kiểm tra, huyện đã kiến nghị với tỉnh quan tâm chỉ đạo hỗ trợ kinh phí kịp thời để người chăn nuôi giảm bớt khó khăn nhằm bảo vệ sản xuất chăn nuôi. Các sở ban ngành phối hợp chặt chẽ cùng địa phương trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tăng cường kiểm soát các phương tiện vận chuyển lưu thông ra vào địa bàn theo tuyến quốc lộ 17 B để khống chế dịch bệnh kịp thời.
Sau khi đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện các giải pháp, dồn sức dập bệnh dịch tả lợn châu phi. Các địa phương đã phát sinh ổ dịch tăng cường triển khai các biện pháp dập dịch, tiêu diệt mầm bệnh để dịch bệnh không lây lan trên diện rộng. Các địa phương chưa có lợn nhiễm bệnh phải chủ động phòng chống dịch. Cơ quan chuyên môn khẩn trương xác định cách thức nguồn bệnh phân tán, lây lan để xây dựng phương án phòng chống hợp lý, hiệu quả.
Về cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện, xã nghiên cứu phương án hỗ trợ hợp lý. Việc hỗ trợ phải kịp thời để người dân đồng thuận với chính quyền trong phòng chống bệnh DTLCP, tránh tình trạng giấu dịch, bán tháo lợn bệnh. Kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các địa phương phải đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ, ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ cho việc phòng chống dịch bệnh. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch. UBND tỉnh cân đối ngân sách, trích kinh phí mua vật tư, hóa chất phục vụ phòng chống bệnh dịch. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu phi để người dân nắm bắt và chủ động phòng chống. Tích cực tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn sạch, hạn chế tối đa những biến động về thị trường tiêu thụ.
Tiếp đến, đoàn đã đi thăm vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Long Xuyên; kiểm tra thực tế vị trí xây dựng cầu Dinh nối huyện Kinh Môn và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Các đ/c lãnh đạo huyện ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng nỗ lực của huyện Kinh Môn trong đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa thị trường. Cũng đề nghị huyện Kinh Môn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, cho giá trị kinh tế lâu dài. Đối với dự án xây dựng cầu Dinh và đường dẫn, lãnh đạo tỉnh gieo nhiệm vụ các sở ban ngành và UBND huyện Kinh Môn phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, cân nhắc phương án xây dựng phù hợp. Các đơn vị phải thiết kế đường dẫn trên địa bàn tỉnh tương xứng, hài hòa với đường dẫn của TP Hải Phòng. Cần tính toán đến phương án xây dựng trước 1 làn đường để vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa bảo đảm tiến độ thực hiện./.
T/h: Thu Xuân - Ảnh: Phồn Đức
Đài phát thanh huyện