Tình hình diễn biến Dịch tả lợn Châu Phi đang ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Đây là bệnh chỉ cảm nhiễm trên lợn, không lây sang người và các loài khác, hiện nay chưa có Vaccine, không có thuốc chữa, lợn nhiễm bệnh là chết, nếu không khoanh vùng cách ly, tiêu độc sát trùng tốt thì rất dễ lây lan ra diện rộng. Vì vậy, mỗi người dân cần hiểu biết về dịch bệnh này, đặc biệt là người chăn nuôi nắm được đặc điểm của bệnh để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Đặc điểm dịch tễ: Trong tự nhiên chỉ có lợn nhà và lợn rừng mẫn cảm với virus gây bệnh.Tuy nhiên, lợn rừng có sức đề kháng với bệnh tốt hơn lợn nhà; qua thực tế cho thấy chúng ít ốm và chết khi bị nhiễm bệnh, nhưng lại là nguồn lây truyền bệnh nguy hiểm cho lợn nhà. Đặc biệt là lợn thả rông rất dễ bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc từ phân, nước tiểu của lợn rừng hay từ chó, mèo hoặc các loại côn trùng như ruồi, muỗi và các vật dụng đã tiếp xúc với mầm bệnh; đều là vật mang trùng và lây nhiễm cho lợn nhà.
Triệu chứng của bệnh:
Thể quá cấp: Thể này thường ít gặp và nếu gặp thì chủ yếu ở những ca bệnh xuất hiện lần đầu tiên. Lợn đột ngột sốt cao 42 độ C, kéo dài 2-3 ngày rồi chết.
Thể cấp tính: Ở thể này do vrút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42°C). Trong 2-3 ngày. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, sau chuyển sang màu sẫm xanh tím.
Thể mãn tính: Vi rút gây bệnh ở thể này, có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp. Ở thể này tỷ lệ tử vong thấp từ 30- 50%, nếu khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút bệnh trở thành dạng mãn tính và sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn Châu phi trong suốt đời của lợn.
Bệnh tích mổ khám:
Khi mổ khám thì thấy xuất huyết nhiều ở dạ dày, gan và thận. (Thận có xuất huyết điểm), lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết, có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng; có các điểm xuất huyết trên thanh quản, túi mật sưng. Nếu ở thể mãn tính có thể gặp sơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.
Chẩn đoán phân biệt với bệnh Dich tả lợn Cổ điển:
Dịch tả lợn Châu phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Nếu có thì chỉ thấy lợn sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể nên tới 42-43 độ C và duy trì trong suốt quá trình phát bệnh. Nốt xuất huyết ngoài da và nhanh chóng trở nên (xanh tím), chảy máu từ các lỗ tự nhiên, lợn rất đau khi đi đại tiểu tiện. Vì vậy, để xác định bệnh được chính sác và kịp thời, phục vụ cho việc phòng và trị bênh. Cơ quan thú y phải tiến hành lấy mẫu, gửi đến Chi cục thú y vùng hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm tìm virut.
Bệnh Dịch tả lợn Châu phi hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị, vậy công tác phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu nhất là khâu phòng bệnh từ xa. Cách duy nhất khống chế DTLCP là làm tốt công tác kiểm dịch, cách ly, tiêu độc, sát trùng, vệ sinh chuồng trại. Ngăn chặn và kiểm soát tốt những nguy cơ có thể lây nhiễm dịch bệnh: từ con giống, từ nguồn nước, từ thức ăn, từ con người và vật dụng ra vào khu vực chăn nuôi (Đặc biệt chú ý yếu tố nguồn nước sử dụng cho trại nuôi đây là yếu tố dễ bị bỏ sót).
Khuyến cáo người dân: Không tuyên truyền sai sự thật về bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hoang mang. Không kêu gọi tẩy chay thịt lợn làm ảnh hưởng đến chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn./.
Thu Xuân/ Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện