Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, được thành lập ngày 18 tháng 11 năm 1930. Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam - một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (03/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930). Trong giai đoạn cách mạng nước ta chưa giành được chính quyền, Mặt trận làm nhiệm vụ tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành đấu tranh cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân. Các hình thức tổ chức hoạt động của Mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (1941), Hội Liêp hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1977), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968), là sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng Việt Nam.
Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam; tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
2. Truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị
Kế tục truyền thống của Hội Phản đế đồng minh và Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đoàn kết vận động toàn dân tộc nổi dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, Nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay
Điều 9 Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hoà XHCN Việt Nam quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn giữ vai trò củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên Nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cộng tác viên Thanh Hà