Qua từng mùa vụ sản xuất, hạt giống dưa leo được người dân lựa chọn, lưu giữ và trở thành giống dưa leo thuần chủng bản địa, đã và đang tạo nên giá trị khác biệt so với các giống dưa leo nội và nhập ngoại.
Khi mỗi vụ trồng hành tỏi kết thúc, những đợt mưa xuân xuất hiện, bà con nông dân trong xã bắt đầu xuống giống trồng dưa leo. Tận dụng mặt luống trồng hành, tỏi có sẵn, bà con sử dụng cuốc chia đều mặt luống thành 2 rạch theo chiều dọc luống, sử dụng cây lứa có đường kính 3cm, cao trên 2m cắm đan xem làm giàn cho cây dưa phát triển. Ưu điểm của cây dưa leo được trồng ở Lê Ninh phát triển nhanh, trong thời gian từ 40 đến 45 ngày từ khi xuống giống cây cho thu hoạch liên tục trong 10 đến 15 ngày. Mặc dù chỉ sản xuất duy nhất một vụ trong năm nhưng đây là giống dưa ngon, vỏ mỏng, thịt dày, ít ruột, khi ăn có vị ngọt mát, giòn, thơm đặc trưng, được thị trường ưa chuộng nên được người dân luôn kiên trì lưu giữ, bảo tồn nguồn giống từ vụ này sang vụ khác.
Ông Nguyễn Văn Cảnh - thôn Ninh Xá xã Lê Ninh có trên 30 năm kinh nghiệm trồng dưa cho biết: “Trong quá trình trồng dưa, mỗi gia đình lựa chọn một luống để làm giống cho vụ sau. Quả giống được lựa chọn là quả số 3 và số 4 từ gốc lên có hình dáng thon dài, lây đều, màu sắc tươi sáng như vậy mới cho hạt mẩy chắc, tỷ lệ nảy mầm cao. Khi quả dưa chín, có màu vàng đậm, hoặc khi kết thúc thu hoạch thì sẽ chuyển quả dưa giống về nhà sơ chế, bảo quản. Trung bình cứ 10 quả giống sẽ phục vụ gieo trồng 1 sào dưa sau này. Do vậy, căn cứ vào diện tích gieo trồng thì mỗi gia đình sẽ chủ động lựa chọn số lượng quả giống phù hợp”.
Quy trình bảo quản hạt dưa làm giống được tiến hành tỉ mỉ, thận trọng. Quả dưa chọn làm giống sau khi thu hoạch về nhà, người dân sẽ dùng dao sắc bổ dọc nhẹ theo chiều dài quả dưa, tránh để lưỡi dao cắt vào hạt, tách lấy hạt, rửa kỹ bằng nước sạch, dùng rá, nia làm bằng tre, lứa để đựng (tuyệt đối không sử dụng đồ đựng bằng chất liệu nhựa hoặc kim loại) và phơi nắng từ 6 đến 7 ngày ở nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C, không được phơi dưới trời nắng gắt, sau đó bảo quản hạt giống trong túi nilon buộc kín hoặc chai thuỷ tinh có nắp đậy để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Hạt giống tốt trước khi mang gieo phải có màu trắng sáng, thơm dịu. Nếu hạt chuyển màu, có mùi khó chịu thì xem như toàn bộ quy trình bảo quản hạt giống thất bại.

Bà Nguyễn Thị Thư - thôn Lê Xá xã Lê Ninh đang buộc ngọn dưa để giữ cố định cho thân cây leo lên giàn vui vẻ cho biết: “Người dân trồng dưa Lê Ninh rất tự hào bởi giống dưa thuần chủng bản địa. Cứ vào mỗi vụ sản xuất, thương lái tới tấp từ các nơi đã đổ về để đặt mua dưa, có một số thương lái nhận đặt mua từ lúc mới xuống giống gieo trồng. Chúng tôi tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng tầm giá trị dinh dưỡng cho quả dưa leo của quê hương, an toàn với sức khoẻ người tiêu dùng. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nguồn giống dưa bản địa và kỹ thuật sản xuất cho những ai có nhu cầu”.
Ông Trần Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Lê Ninh cho biết: “Vụ xuân hè năm nay, xã Lê Ninh duy trì sản xuất trên 30 ha dưa leo, trong đó có 16 ha dưa được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Nhờ nguồn giống dưa thuần chủng bản địa nên đầu ra rất ổn định, giá trị thu nhập của người dân ngày càng tăng cao. Bình quân mỗi sào dưa cho năng suất từ 1,2 tấn quả đến 1,7 tấn quả, trừ chi phí đầu tư người dân thu lãi từ 6 triệu đồng đến 12 triệu đồng/sào/vụ”. Thời gian tới, các ngành chuyên môn của xã, hội, đoàn thể tích cực tổ chức lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân tiếp cận phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ, tiến tới xây dựng thương hiệu dưa leo Lê Ninh. Đây là một trong định hướng phát triển cây chủ lực để xã sớm hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu”.
Như vậy, cùng với nguồn giống thuần chủng bản địa như: hành củ, hành lá (mủa), tỏi, nếp cái hoa vàng, sắn dây, dưa leo Lê Ninh đã bổ sung thêm vào bộ sưu tập giống cây trồng thuần chủng bản địa của thị xã Kinh Môn, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm nông sản tiêu biểu, độc đáo chỉ có ở Kinh Môn./.
Bảo Thanh