Qua công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan cho thấy, các đối tượng “bảo kê” máy gặt thường hoạt động theo nhóm, chủ yếu là số thanh niên không có công ăn việc làm. Thủ đoạn của chúng là theo dõi, canh chừng cánh đồng, khi phát hiện chủ máy gặt từ nơi khác đến sẽ đe dọa, yêu cầu nộp phí; nếu không sẽ đập phá máy gặt hoặc hành hung chủ máy. Nhiều chủ máy vì lo sợ, muốn yên ổn làm ăn nên đã miễn cưỡng trả tiền “bảo kê” theo yêu cầu của đối tượng.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng các đối tượng hoạt động “bảo kê” máy gặt, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh, đặc biệt lực lượng Công an cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo và phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng “bảo kê” máy gặt để nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; đồng thời vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia, tiếp tay cho hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng triển khai đồng bộ các mặt công tác, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện lợi dụng việc thu hoạch mùa vụ để hoạt động “bảo kê”, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc là nạn nhân của hành vi “bảo kê” máy gặt cần báo kịp thời và phối hợp với cơ quan Công an để đấu tranh, xử lý, góp phần bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn./.
Nguồn: Công an thị xã Kinh Môn