
Thực tế, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ. Mỗi ngày trôi qua là có không biết bao nhiêu sinh mạng bị đe dọa bởi tai nạn giao thông? Tai nạn giao thông có thể đến với bất kì ai mà không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông …Tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông đó là ý thức người tham gia giao thông còn quá kém.
Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhận định là quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.
Xét về tính pháp lý: Văn hóa giao thông chính là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng: Không vượt đèn đỏ, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật pha trong phố, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.
Xét về tính cộng đồng: Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông: không chen lấn, biết cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông…
Mỗi cử chỉ “Văn hóa giao thông” làm nên nét nhân cách của mỗi con người. Nó cũng không chỉ thể hiện cho mọi người thấy bạn là người văn minh lịch sự như thế nào mà quan trọng hơn đó là vì sự an toàn. Hãy là người tham gia giao thông có văn hóa vì bình yên và hạnh phúc của mình và những người xung quanh./.
Nguyễn Học