Được thành lập tháng 4 năm 2021, Hợp tác xã nông sản sạch phường Duy Tân lúc đầu có 9 thành viên, đến nay đã phát triển lên 32 thành viên tự nguyện tham gia góp vốn để phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương là Gạo Nếp cái hoa vàng. Hợp tác xã đã liên kết được các hộ dân với quy mô sản xuất 15 héc ta lúa Nếp cái hoa vàng theo hướng an toàn. Các hộ dân tham gia mô hình được hợp tác xã hỗ trợ từ làm đất, cấp giống lúa chất lượng, cung ứng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, Hợp tác xã còn đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm ngay sau khi thu hoạch để chế biến, đóng góp và cung cấp ra thị trường.
Chị Nguyễn Thị Hương, thành viên hợp tác xã nông sản sạch phường Duy Tân có hơn 3 xào cấy lúa Nếp cái hoa vàng, vừa làm chủ cơ sở xay sát gạo Nếp cái hoa vàng cho biết: “Trước đây, việc sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng mang tính tự phát nên sau mỗi mùa vụ, chúng tôi thường bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khi sản phẩm còn bị trà trộn với các sản phẩm gạo nếp khác kém chất lượng hơn. Từ khi tham gia Hợp tác xã, chúng tôi cùng liên kết trong sản xuất, từ khâu gieo cấy cho đến thu hoạch, xay sát gạo và đóng gói thành phẩm đều được các thành viên trong Hợp tác xã liên kết chặt chẽ. Nhờ đó, chúng tôi an tâm về đầu ra và cũng khẳng định được thương hiệu Gạo Nếp cái hoa vàng Duy Tân trên thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Quý – giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch phường Duy Tân cho biết: “Sau khi thu hoạch Lúa Nếp cái hoa vàng vụ mùa năm 2022, chúng tôi đã bao tiêu sản phẩm, sơ chế và đóng gói để tiêu thụ. Nhờ liên kết chặt chẽ trong sản xuất, sơ chế nên chất lượng Gạo được đảm bảo. Đến khoảng đầu tháng 2/2023, chúng tôi đã kết nối tiêu thụ hết toàn bộ hơn 40 tấn Gạo Nếp cái hoa vàng của các thành viên trong Hợp tác xã. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gạo Nếp Cái hoa vàng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Dự kiến trong vụ mùa tới đây, chúng tôi sẽ liên kết, mở rộng thêm khoảng 30 ha lúa Nếp cái hoa vàng ở các khu dân cư Duyên Linh, Trại Xanh, Nhẫm Dương theo hình thức quy vùng sản xuất”.
Còn với Hợp tác xã nông sản sạch phường Thất Hùng lựa chọn liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chủ lực của địa phương là cam ngọt. Để nâng cao giá trị sản phẩm, Hợp tác xã đã tập hợp và liên kết các hội viên, định hướng trồng cam theo quy trình Việt Gáp, cam kết về chất lượng, giá bán. Không có trường hợp bán phá giá để tránh gây ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm. Đồng thời liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Hợp tác xã đã đứng ra tìm các đầu mối tiêu thụ tại các địa phương, qua các cửa hàng nông sản sạch. Các hội viên tự liên kết mua ô tô để vận chuyển cam đi tiêu thụ. Nhờ việc liên kết này đã góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu cam ngọt Thất Hùng trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Quang – Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Thất Hùng cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, Hợp tác xã đã đầu tư kinh phí trên 6,6 tỷ đồng để thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ đầu tư trên 1,2 tỷ đồng thông qua xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ. Còn lại là nguồn vốn đầu tư của Hợp tác xã và các thành viên để kết nối, tiêu thụ sản phẩm”.
Thị xã Kinh Môn xác định kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững, cùng chia sẻ lợi ích và quản lý một cách dân chủ, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu trong năm 2023, thị xã Kinh Môn phát triển mới từ 5 hợp tác xã trở lên, nâng tổng số toàn thị xã sẽ có 60 hợp tác xã với tổng số 1.550 thành viên; Chuyển đổi lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012 cho 100% các hợp tác xã. Thị xã cũng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ các Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Trong đó, tập trung ưu tiên phối hợp xúc tiến thương mại để các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn ô cốp để nâng cao giá trị./.
Thu Xuân