Dãy núi An Phụ có nhiều loài cây cho hoa lấy mật như keo, bạch đàn và nhiều loại cây dược liệu quý. Hoa rừng hoàn toàn tự nhiên nên mật ong thơm, ngọt, mịn sánh, có tác dụng bổ dưỡng, kháng khuẩn. Vì thế mật ong vụ hè – thu của Hợp tác xã nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn là loại mật ong, cho giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đức Thả - Giám đốc HTX nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn cho biết: “hiện chúng tôi đang lấy mật ong chính vụ hè – thu. Vụ hè – thu khác hoàn toàn với khai thác mật vụ xuân. Trong đó, mật vụ hè – thu chủ yếu là mật hoa bạch đàn và các loài hoa từ thảm thực vật”.
Sau khi khai thác mật thô được đưa vào máy hạ thuỷ phần để tách bớt nước trong mật. Lượng nước trong mật thô từ 23-25% nhưng sau khi tách nước chỉ còn 18%. Bởi vậy, chất lượng mật đặc sánh, thơm ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và để được lâu hơn.
HTX nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn hiện có 50 thành viên đang nuôi tổng số 1.600 thùng ong. Hộ nuôi ít khoảng 50 thùng ong, hộ nuôi nhiều lên đến 120 thùng. Vụ hè thu trung bình 1 thùng ong quay được 12 lít mật, sản lượng mật của HTX tỏng vụ ước đạt 19.000 lít. Giá bán ra thị trường khoảng 200 nghìn đồng/lít. Nguồn lợi từ hoa rừng Kinh Môn mang lại cho HTX giá trị khoảng 3,8 tỷ đồng từ bán mật ong hoa tự nhiên.
Để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế rừng, HTX nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn đang hỗ trợ người dân nuôi ong đúng kỹ thuật VietGap, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong để xuất khẩu, tạo thu nhập tốt hơn cho các thành viên HTX và người dân./.
Thu Xuân