Đối với công tác phòng chống ngập úng tại khu vực đô thị: UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị dịch vụ công ích thực hiện rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị để có giải pháp sửa chữa nhằm đảm bảo việc chống ngập, úng khi mưa lũ; Triển khai kịp thời thực hiện duy tu, bảo trì và nạo vét hệ thống tiêu thoát nước đặc biệt tại tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa, bão và có các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng khi có mưa lớn.
Đối với công tác quản lý cây xanh đô thị: Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tình trạng cây gãy đổ mất an toàn trong mùa mưa bão; Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý cây xanh đô thị, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, có nguy cơ không an toàn; Tổ chức xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Đối với đơn vị được giao quản lý cây xanh đô thị, các chủ đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới: Thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý cây xanh theo quy định của pháp luật; Triển khai công tác cắt tỉa cây bóng mát trong đô thị theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt chú ý gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; kiểm tra, rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, xử lý kịp thời những cây có nguy cơ gây mất an toàn trong mùa mưa bão; Bố trí nhân lực, phương tiện, máy móc đảm bảo hoạt động tốt trong trường hợp cần thiết nhằm ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời trường hợp cây đổ, cành gãy./.
Nguyễn Học