Đứng trước vận hội mới, nhiều hộ kinh doanh cá thể đã mạnh dạn tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè có chung ý tưởng khởi nghiệp thành lập mô hình Hợp tác xã, bước đầu mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng.
Dám nghĩ, dám làm
Ông Bùi Văn Thành - HTX Thành Nhàn tư vấn sản phẩm bột sắn dây cho khách hàng
Sau nhiều lần để tuột tay những hợp đồng mua hàng với số lượng lớn vì lý do chưa đảm bảo thủ tục pháp lý để đứng tên hợp đồng thanh toán, anh Bùi Văn Thành - Chủ cơ sở sản xuất bột sắn dây Thành Nhàn xã Thượng Quận đã mạnh dạn vận động anh em, bạn bè góp vốn thành lập Hợp tác xã nông sản sạch Thành Nhàn do anh Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã. Trước khi thành lập, gia đình anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ sở mặt bằng trên 1.200 m2, anh vay mượn của người thân đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng xưởng, mua máy móc hoàn thiện quy trình sản xuất bột dây khép kín. Bình quân mỗi ngày, HTX sản xuất 5 tạ bột thành phẩm, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 12 lao động. Anh Thành chia sẻ: “chỉ có thành lập Hợp tác xã chúng tôi mới có nhiều cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ tiêu chuẩn cạnh tranh thị trường trong nước và nước ngoài”
Bảo vệ thương hiệu sản phẩm Thanh long ruột đỏ Bạch Đằng là mục tiêu sống còn được Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng xác định không chùn bước trước những cám dỗ về giá cả thị trường, sản lượng thu hoạch. Hợp tác xã sản xuất nông sản sạch Bạch Đằng được thành lập năm 2018, suốt thời gian qua, việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm quả thanh long ruột đỏ đều rất thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Thuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Khi mới thành lập, HTX có 28 thành viên, đến nay phát triển hơn 50 thành viên, quy mô sản xuất từ 30ha tăng lên 60ha. Các thành viên HTX thường xuyên giám sát, chia sẻ kiến thức khoa học kỹ thuật, cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ. Nếu quả thanh long không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ không cho vào hệ thống tiêu thụ. Bởi chỉ cần lơ là trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín và thị trường tiêu thụ lâu dài của HTX”.
Kiểm tra sự phát triển của đàn ong
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Thả - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong nội rừng Kinh Môn cho biết: “Do nghiêm túc quán triệt mục tiêu xây dựng và phát triển hợp tác xã, 100% thành viên cam kết sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn Vietgap. Hợp tác xã hiện có trên 1.670 đàn ong nội trải dài tại 3 địa phương: thị xã Kinh Môn, huyện Thanh Hà, Kim Thành. Hợp tác xã vừa được Liên minh hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ một phần kinh phí mua Máy tách thuỷ phần. Nhờ đó chất lượng mật ong ngon hơn và bảo quản được lâu hơn trong môi trường tự nhiên. Số lượng mật ong của Hợp tác xã sản xuất hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Tiềm năng phát triển
Thị xã Kinh Môn hiện có trên 6.000ha đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trên 1.000ha rừng, với địa hình đa dạng: sông, núi, đồng bằng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển. Thị xã đã và đang triển khai nhiều đề án, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp như: Kế hoạch phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và hình thành các vùng sản xuát nông nghiệp hàng hoá tập trung, hướng tới nông nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Đề án thúc đẩy sản xuất, chế biến nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triên bền vững, giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế diện tích sản xuất. Với chính sách khuyến khích thiết thực, hiệu quả về hành lang pháp lý, vốn vay, mặt bằng hoạt động, nguồn nhân lực dồi dào là cơ sở để HTX tự tin trụ vững và mạnh dạn bứt phá phát triển. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, thị xã Kinh Môn đã có 6 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản sạch, an toàn được thành lập.
Ông Nguyễn Xuân Hạ - Trưởng phòng Kinh tế thị xã khẳng định: “Kinh tế hộ đơn lẻ không thể tạo nên vùng nguyên liệu; vì vậy, nền tảng ở đây là thúc đẩy đổi mới tổ chức sản xuất của nông dân ở mức độ cao hơn, phát huy mạnh hơn vai trò HTX, tổ hợp tác trong liên kết ngang nông dân với nông dân, phát triển trang trại nguyên liệu, phục vụ chế biến sâu. Thị xã thực hiện quy hoạch hơn 10 vùng nguyên liệu: hành, tỏi, hành mủa, nếp cái hoa vàng, sắn dây, thanh long ruột đỏ, cam ngọt, dưa, chuối, rau xanh ngắn ngày, lúa hữu cơ…vv”.
Sơ chế sắn dây tại HTX Thành Nhàn
Ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Thành Nhàn cho biết thêm: “Vùng nguyên liệu sắn dây của thị xã Kinh Môn khá dồi dào, sau hơn 20 gắn bó với củ sắn dây, tôi chủ động lựa chọn địa điểm trồng sắn dây cho chất lượng bột tốt, Hợp tác xã sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu, thu mua củ sắn dây theo giá thị trường cho bà con nông dân”.
Hợp tác xã Nông sản sạch Duy Tân được thành lập trên cơ sở Mô hình liên kết sản xuất lúa nếp cái hoa vàng an toàn phường Duy Tân. Thành viên hợp tác xã sử dụng giống nếp cái hoa vàng thuần chủng bản địa để gieo cấy, khoảng 70% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng chăm bón lúa có nguồn gốc hữu cơ, sinh học nên gạo nếp cái hoa vàng cho chất lượng vượt trội, hạt cơm bóng, mềm dẻo, vị béo ngậy, thơm đặc trưng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Do sản xuất theo phương pháp hữu cơ nên giá bán mỗi tạ gạo nếp cái hoa vàng do Hợp tác xã sản xuất thường cao hơn từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Phường Duy Tân hiện đang thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lúa nếp cái hoa vàng quy mô hơn 60ha.
Để không bị rơi vào tình trạng có cũng như không, hầu hết các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của thị xã đều xác định rõ con đường phát triển, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tiếp cận thị trường để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Tin tưởng rằng với sự quản trị đúng đắn, sáng tạo mà trên hết là uy tín, chất lượng của sản phẩm sản xuất ra được người tiêu nhớ đến và tin dùng, những mô hình “kinh tế tập thể” Hợp tác xã sẽ là đòn đẩy thúc đẩy ngành nông nghiệp thị xã Kinh Môn phát triển bền vững, xứng đáng là nền tảng, trụ đỡ cho các ngành kinh tế khác phát triển./.
Bảo Thanh