
Trang trại chăn nuôi gà giống của ông Đinh Văn Mười, khu dân cư Hán Xuyên, phường Thất Hùng là trang trại sản xuất gà giống quy mô công nghiệp lớn nhất thị xã, thời điểm trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, trang trại của ông Mười thường xuyên duy trì 7.000 con gà mái, bình quân mỗi tháng, trang trại xuất bán từ 3 đến 5 vạn gà con, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, lợi nhuận kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trang trại nuôi gà thịt đồng loạt giảm đàn do không tiêu thụ được, trong khi đó giá thức ăn, điện, nước đều tăng, việc vận chuyển khó khăn nên nhu cầu về gà giống giảm mạnh. Ông Mười cho biết: “Hiện nay, để duy trì hoạt động của trang trại, tôi quyết định giảm ½ số lượng đàn gà mái, giá bán gà con hiện nay 6.000 đồng/con, có thời điểm giảm xuống còn 2.000 đồng/con, trang trại đã phải bù lỗ trên 100 triệu đồng/tháng. 25 năm gắn với với con gà, chưa thời điểm nào tôi cảm thấy bản thân bất lực như hiện nay”.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Hiến, khu dân cư Vũ An phường Phạm Thái có trang trại chăn nuôi gà thịt, thường xuyên duy trì 4.000 con. Ngoài khó khăn về chi phí thức ăn tăng cao, giá điện, nước, dịch bệnh gia cầm luôn thường trực, hiện nay việc tiêu thụ gà thịt rất chậm, giá bán từ 58.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, gia đình bù lỗ 5.000 đồng/kg.
Khó khăn xảy ra không chỉ đối với trang trại chăn nuôi gà, trang trại chăn nuôi lợn đang phải đối diện khó khăn “Kép”. Anh Nguyễn Văn Oanh, chủ trang trại chăn nuôi lợn khu dân cư Hiệp Hạ phường Hiệp Sơn chia sẻ: “Hiện nay, trang trại gia đình tôi duy trì 40 lợn nái, 200 lợn thịt theo mô hình công nghiệp khép kín. Chúng tôi vừa thoát khỏi dịch tả lợn châu phi, trang trại chưa vực dậy được bao lâu lại tiếp tục đối diện với khó khăn dịch bệnh Covid-19. Nhờ chủ động về con giống đã góp phần giảm bớt chi phí đầu tư, nhưng hơn 2 tháng qua, chúng tôi không còn vốn để xoay vòng phát triển. Do đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để có cơ sở vật chất trang trại vận hành đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất nên tôi chưa muốn chuyển hướng chăn nuôi”.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn thị xã Kinh Môn có 80 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Để giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi thời điểm dịch bệnh, góp phần duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm sau hậu dịch Covid-19, thị xã tạo điều kiện thuận lợi kết nối, tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, phối hợp với các địa phương phụ cận để thông thương hàng hoá, đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng quan tâm, chia sẻ, có chính sách hỗ trợ như giãn nợ cho vay, duy trì bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi./.
Thu Hương