1. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường huy động máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy đảm bảo hoàn thành kế hoạch trong khung thời vụ; chủ động dự phòng các giống lúa ngắn ngày và giâm giữ mạ còn thừa sau cấy để cấy dặm hoặc gieo cấy lại các diện tích lúa chết do nắng nóng hoặc do ngập úng. Thời gian gieo cấy khắc phục diện tích lúa mùa bị thiệt hại kết thúc xong trước ngày 05/8/2023.
2. Tăng cường hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cho những diện tích lúa đã gieo cấy xong, cụ thể như sau:
- Về tưới nước: sau cấy, cần đảm bảo duy trì đủ nước để lúa bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh sớm, tăng khả năng chống nóng cho cây lúa. Đối với các chân ruộng gieo vãi cần tưới láng đều mặt ruộng, không để khô nứt nẻ.
- Về phòng trừ ốc bươu vàng, cỏ dại: cần chủ động thực hiện ngay sau khi tiến hành gieo cấy.
- Trường hợp lúa bị ngộ độc hữu cơ: tiến hành thay nước ruộng, sục bùn cho oxy lưu thông vào đất và bón thêm vôi bột hoặc bổ sung chế phẩm nấm Tricoderma kết hợp phun phân bón qua lá để lúa nhanh hồi phục.
- Về bón phân: đối với lúa cấy, tiến hành bón thúc ngay khi cây lúa bén rễ hồi xanh, bón càng sớm càng tốt, tốt nhất bón sau cấy từ 5-7 ngày (chậm nhất không quá 10 ngày). Đối với lúa gieo thẳng, lần bón phân lần thứ nhất khi cây lúa có 2 lá thật, lần tiếp theo là sau khi kết thúc tỉa dặm.
Lưu ý: tập trung bón thúc để lúa đẻ nhánh sớm theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”; bón cân đối, hạn chế bón đạm đơn để hạn chế phát sinh bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn cho lúa ở giai đoạn sau.
3. Tăng cường điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh hại, cần chú ý theo dõi và dự báo sát tình hình gây hại của các đối tượng như: chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lụi, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc vi khuẩn.
Thu Hằng