Từ thế kỷ I, tại vùng đất này, 2 nữ tướng Thiện Nhân và Thiện Khánh đã dựng cờ khởi nghĩa chống giặc, trước khi hợp quân với Hai Bà Trưng. Trong số các triều đại phong kiến Việt Nam để lại dấu ấn đậm nét trên đất Kinh Môn là triều đại nhà Trần. Minh chứng cho điều ấy chính là hệ thống di tích triều Trần được phát hiện với mật độ dày đặc và còn được bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay. Nổi bật nhất là quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương gắn liền với tên tuổi của vua Trần và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3. Xung quanh quần thể di tích quốc gia đặc biệt ấy, còn có hệ thống kiến trúc Phật giáo với nhiều ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần: chùa Kỳ, chùa Cả (xã Hoành Sơn); chùa Hàm Long (thị trấn Minh Tân), chùa Nhẫm Dương, chùa Châu Xá, chùa Trại Xanh (xã Duy Tân), chùa Gạo, chùa Tường Vân (xã An Sinh), chùa Dương Nham (xã Phạm Mệnh). (Có thể còn một số di tích khác mà chúng tôi chưa phát hiện được).
Trong những di tích trên, mỗi di tích có những nét khác nhau, nhưng đều thể hiện những nội dung: Liên quan đến chống giặc ngoại xâm; tôn giáo, tín ngưỡng và giao thương buôn bán.
Các di tích thời Trần trên đất Kinh Môn
Nhóm di tích Đền Cao An Phụ - chùa Tường Vân - chùa Gạo (xã An Sinh).
Nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ (cao 246m so với mặt nước biển), Đền Cao An Phụ hay còn gọi là An Phụ Sơn Từ - nơi thờ Đức thánh An Sinh Vương Trần Liễu - người có công lớn trong việc tạo dựng nhà Trần (thế kỷ thứ XIII) và là phụ thân của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), vua cắt đất ở các xã An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hưng, An Bang (nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) cho Trần Liễu làm thái ấp và phong cho ông làm An Sinh Vương ở đây. Vì thế từ đây sử sách đều chép ông là An Sinh Vương.
Sau khi được cắt đất lập ấp, An Sinh Vương Trần Liễu giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, từ đỉnh Yên Phụ, Yên Tử, An Sinh Vương đã ra sức kiến thiết một cõi Hải Đông thành vùng giầu có, trung tâm văn hoá, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều. Dân các huyện Kinh Môn. Đông Triều, Yên Hưng nhiều nơi thờ ông làm thành hoàng. Cuộc đời An Sinh Vương sống đạm bạc, lấy việc xây trang ấp giầu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Đứng trước sự an nguy của đất nước, ông đã đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, cùng với con trai là Trần Quốc Tuấn chiêu binh, mộ sĩ, trữ lương giúp triều Trần 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông.
Năm Tân Hợi, mùa hạ, tháng 4, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (1251), An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ Yên Phụ, hưởng thọ 41 tuổi. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Đại Vương, cho sửa chữa phủ đệ trên đỉnh núi Yên Phụ thành đền thờ ông. Hàng năm đến ngày mồng một tháng tư âm lịch (ngày giỗ của ông) được con dân trăm họ về dâng hương kính lễ. Dần dần ngày 1 - 4 trở thành ngày lễ hội lớn thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài tỉnh. Chính vì sự tích như vậy nên Đền Cao An Phụ nổi tiếng về sự linh thiêng.
Tiếp đến là chùa Tường Vân cổ kính được xây dựng cách nay khoảng 700 năm - thờ Phật và Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là ngôi chùa cổ làm bằng gỗ và đá núi. Chùa có tên là Tường Vân (Mây lành), nơi luôn luôn có mây lành ngưng tụ. Bên chùa có trụ đá Kính Thiên. Trong khuôn viên di tích còn có Đền thờ Mẫu Tứ phủ, Lầu Cô. Trước chùa có giếng mắt rồng luôn đầy nước và trong mát quanh năm. Ba cây Đại 700 năm tuổi minh chứng cho sự trường tồn của di tích.
Cách phía trước Đền Cao chừng 300m, dưới ngọn núi thấp hơn là tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người con trung hiếu, người anh hùng dân tộc chống quân Mông Nguyên. Tượng đài được đặt tại ngọn đồi ở độ cao 200m. Ngày 20 tháng 8 năm 1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Đảng và Nhà nước đặt phiến đá đầu tiên xây dựng tượng đài. Thần thái Hưng Đạo Đại Vương được tạc ở tuổi 55-60, sau khi đã hoàn thành 3 cuộc kháng chiến chống giặc Mông Nguyên. Tay phải cầm cuốn sách, tay trái tỳ đốc kiếm biểu hiện văn võ song toàn và tầm nhìn chiến lược, nhắc nhở hậu duệ, hãy cảnh giác giữ lấy biển trời, non sông gấm vóc. Tượng cao 12,7m được tạc bằng đá xanh - là công trình kiến trúc nghệ thuật ngoài trời bằng đá lớn nhất Việt Nam cuối thế kỷ 20 đã được xác lập kỷ lục Guiness. Tượng đài Trần Hưng Đạo ở vị trí tự nhiên nhưng lại phù hợp với luân thường đạo lý của người Việt: Cha ở trên, con ở dưới và cùng tiến lên phía trước. Vị trí đặt tượng còn thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam.
Bên trái tượng là bức phù điêu bằng đất nung dài 45m, rộng trung bình 2,5m gồm 526 viên ghép lại do các nghệ nhân gốm làng Cậy chế tác. Phù điêu là trang sử tóm tắt quá trình diễn ra các cuộc kháng chiến oanh liệt của quân dân Đại Việt chống quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII.
Động Kính Chủ (xã Phạm Mệnh) - Căn cứ của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chông quân Nguyên Mông lần 3.
Trên bờ sông Kinh Thầy thơ mộng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng Động Kính Chủ (còn gọi là động Dương Nham) thuộc dãy núi Dương Nham, thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh. Không gian động khá rộng còn nguyên vẻ hoang sơ kỳ thú và không chỉ mang vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng, Động Kính Chủ còn lưu giữ chiến tích của quân và dân nhà Trần.
Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 (1288) của quân dân thời Trần, nếu như ở các địa danh như Vạn Kiếp (Chí Linh - Hải Dương); Bạch Đằng Giang (Tràng Kênh - Hải Phòng) được biết đến là chiến trường với những trận thắng vang dội thì vùng đất Kinh Môn là “Đại bản doanh” hay “An toàn khu” của triều Trần. Từ đây, vua Trần chỉ huy các mũi tiến công của quân ta để đánh giặc, đó chính là khu di tích - danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Động Kính Chủ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Núi Dương Nham ở cách huyện Giáp Sơn 6 dặm về phía bắc, liên tiếp với núi Yên Phụ, cao 160 trượng. Vua Trần Nhân Tông (1278-1293) nhà Trần chống cự quân Nguyên đóng quân trên núi”. Đoạn ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí cho thấy, đại bản doanh của vua Trần Nhân Tông đã được đặt tại vùng này, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, năm 1288 - Năm có chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng.
Hệ thống văn bia Ma Nhai còn lưu giữ tại Động không chỉ là bảo vật quốc gia "kho báu độc nhất vô nhị" của Việt Nam mà còn là bảo tàng văn bia trải dài hơn 6 thế kỷ (từ năm 1368 đến năm 1940) lưu giữ nhiều sự kiện khác nhau về thời cuộc, ngợi ca vẻ đẹp của Động Kính Chủ và miền đất sơn thủy hữu tình. Trong 17 bài thơ khắc trên vách động phải kể đến bài thơ của Phạm Sư Mạnh, một danh nhân nổi tiếng thời Trần vốn quê ở huyện Kinh Môn. Nhân dịp đi công cán, ông lên thăm động có viết bài thơ “Hành dịch đăng gia sơn” – (nhân việc quan lên thăm núi nhà) ca ngợi chiến công vĩ đại thời Trần chống quân Nguyên.
Tại xã Hoành Sơn, người dân đã tìm được bãi cọc gỗ lim. Năm 2017, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với UBND huyện Kinh Môn khai quật bãi cọc ven sông La, xã Hoành Sơn. Cùng với các cây cọc trong hố khai quật, cơ quan chức năng còn nắm bắt thông tin có những chiếc cọc vẫn còn được lưu giữ trong các nhà dân (do trước đó người dân đã phát hiện những chiếc cọc gỗ lim ở ven sông và thấy chất liệu gỗ còn chắc chắn nên mang về nhà để sử dụng). Qua nghiên cứu, giám định, các nhà khoa học nhận thấy: những chiếc cọc này khá đặc biệt, dù ngâm trong nước lâu mà vẫn còn nguyên dánh, thớ gỗ và rất cứng. Hai đầu cọc đều được đẽo vát nhọn (Điều này, các nhà khảo cổ đã gặp ở các cọc gỗ Bạch Đằng). Theo thư tịch, có những cọc còn được bịt sắt nhọn ở đầu. Vì thế, có thể khẳng định: Đây là một trong số các bãi cọc của quân dân nhà Trần trong thế trận thủy chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên lần thứ 3.
Động Kính Chủ được vua Trần chọn làm nơi đóng đại bản doanh chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3. Nơi đây 1 bên là hang động hiểm trở, 1 bên là bến Đầu Chủ, rất thuận tiện giao thông thủy, bộ và chỉ cách chiến trận Bạch Đằng Giang (Hải Phòng) hơn 30km.
Thư tịch còn ghi lại: Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Nhân Tông đã rời Kinh đô Thăng Long, về đóng tại Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) để lập đại bản doanh cho cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba. Với vị trí có sở chỉ huy của mặt trận chống Nguyên Mông, Kinh Môn là một nơi rất quan trọng, tập trung tướng tài và quân tinh nhuệ của nhà nước Đại Việt vừa bảo vệ đầu não cuộc chiến là hai vua Trần, vừa là một điểm chặn giặc lợi hại. Kinh Môn còn là căn cứ quân lương với “Chùa Gạo”, “Thung Thóc” tên vẫn còn vang đến ngày nay. Hệ thống hang, động ở Kinh Môn còn là nơi cất giấu lương thực, vũ khí, vừa là nơi rèn binh, luyện võ của quân dân nhà Trần.
Có lẽ cũng dễ hiểu khi vua Trần chọn Kinh Môn làm nơi đóng quân chặn đường tiến công của địch. Bởi Kinh Môn có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, hệ thống sông lớn bao quanh, các con sông đều nối thông với nhau ôm lấy làng mạc và núi đá, núi đất. Núi đá Kinh Môn có vách dựng đứng hiểm trở, thuận lợi cho việc đánh địch và bảo toàn lực lượng. Đây không những là nút chặn lợi hại trong việc kìm bước chân giặc mà còn là phên liếp bảo vệ Kinh đô Thăng Long từ vòng ngoài trên con đường giặc tiến công theo đường thủy vào mà vẫn được mệnh danh là “con đường xâm lược” có từ buổi quân Mã Viện tiến vào đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tiếp đến các đội quân Nam Hán, quân Nguyên cũng vậy, theo con đường quen thuộc này để tiến vào xâm lăng nước ta.
Hệ thống Chùa xây dựng thời Trần có vai trò quan trọng về mặt quân sự, tín ngưỡng tôn giáo và giao thương buôn bán.
Căn cứ các hiện vật và kết quả nghiên cứu thì chùa Nhẫm Dương được xây dựng vào thế kỷ XIII, sau đó trở thành chốn tổ của thiền phái Tào Động Việt Nam vào thế kỷ XVII, nơi tu hành đắc đạo của Thánh Tổ Thủy Nguyệt. Xung quanh chùa Nhẫm Dương còn lưu giữ khá nhiều di tích thời Trần như: kho tàng trong hang động, bãi cọc, cảng sông. Chỉ trong xã Duy Tân đã có tới 3 ngôi chùa thời Trần như: chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự), chùa Châu Xá (Hoa Nghiêm tự), chùa Xanh (Thiên Quang tự).
Phía bên kia dãy núi còn có chùa Tường Vân nằm trên đỉnh núi, chùa Tường Vân thờ Phật theo thiền phái “Đại thừa” và thờ vua Trần Nhân Tông - đệ nhất tổ của Phật giáo Trúc Lâm. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII. Chùa có kiến trúc đặc biệt: tiền nhất – hậu đinh. Bên chùa xưa có trụ đá Kính Thiên. Trước chùa có hai giếng nước luôn đầy và trong mát quanh năm là Giếng Mắt Rồng và giếng Ngọc cùng 3 cây Đại 700 năm tuổi minh chứng cho sự trường tồn của di tích. Trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt cùng với chùa Gạo, tương truyền là nơi An Sinh Vương Trần Liễu cất giữ lương thảo. Những năm mất mùa, đói kém, An Sinh Vương phát lương thực cho dân. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, chùa Gạo được vua Trần chọn làm căn cứ hậu cần, nơi chứa toàn bộ lương thảo của quân dân nhà Trần phục vụ cho cuộc kháng chiến. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, chùa Gạo và chùa Tường Vân được tôn tạo, tu bổ là nơi thờ phật theo thiền phái Trúc Lâm, chốn danh lam thắng cảnh được nhân dân khắp nơi hành hương chiêm bái.
Tại khu danh thắng Động Kính Chủ (xã Phạm Mệnh), nằm ở lưng chừng núi đá vôi Bồ Đà. Nền động cách mặt đất khoảng 20m. Trong động có chùa cổ Dương Nham, theo sách” Đại Nam nhất thống chí”. Chùa Dương Nham trải qua chiến tranh, đã bị tàn phá, chỉ còn tượng Phật, nay được thờ trong Động; Đây cũng là nơi thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang Tôn Giả và nhiều tượng Phật tạc bằng đá.
Vua Lê Thánh Tông( 1460-1497) khi đến thăm động, trước khung cảnh hùng vĩ của núi non, hang động cũng cảm tác khắc trên nóc động bài thơ cổ phong thất ngôn trường thiên 22 câu với tên hiệu “ Thiên Nam động chủ” còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Ở xã Hoành Sơn có chùa Thiên Kỳ, chùa Cả. Thị trấn Minh Tân có chùa Hàm Long, đây là ngôi chùa trong động. Cửa động có 7 tấm bia đá khắc từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Chùa có từ thời nhà Trần, Động Hàm Long ở chân núi Khánh Đức (núi Khánh Nghiêm). Là căn cứ chống quân Nguyên của danh tướng Yết Kiêu.
Trong hệ thống chùa thời nhà Trần trên địa bàn huyện thì chùa Nhẫm Dương là trung tâm Phật giáo lớn của khu vực, từ thời Trần và thế kỷ XVII-XVIII.
Kinh Môn có đường biên là hệ thống sông lớn đã tạo thuận lợi cho phát triển giao thương đường thủy. Trong huyện còn lưu truyền tên 2 bến: Bến Đầu Chủ nằm trên sông Kinh Thầy thuộc xã Duy Tân và Bến Cầu Thủ trên sông La thuộc thôn Cậy Sơn 1 xã Hoành Sơn. Tại những bến sông này, các nhà khảo cổ đã tìm được rất nhiều đồ gốm, chứng tỏ, trước đây vùng Kinh Môn là trung tâm kinh tế lớn, là thương cảng lớn - đầu mối giao thương - nơi trung chuyển gốm (Hải Dương) đi cả nước và nước ngoài (Hải Dương vừa là cái nôi của gốm sứ: nổi tiếng với gốm sứ Chu Đậu, và nhiều lò gốm khác).
Tại các chùa thời Trần trên địa bàn huyện còn tìm thấy các hiện vật như: tháp, đồ gốm sứ, tiền cổ, bia đá, gạch, đồ trang trí, chân kê cột... là minh chứng rõ nét về sự phát triển phồn thịnh của thương mại ở Kinh Môn thời nhà Trần.
Nơi phát hiện bãi cọc gỗ ở xã Hoành Sơn (được cho là bãi cọc trong trận Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 3). Vị trí bãi cọc nằm ngay bờ sông La.
Nét độc đáo nữa ở những ngôi chùa xây dựng từ thời Trần là vật liệu kiến trúc để lại có rồng, phượng, hệ thống đồ gốm, sứ trong chùa là dòng cao cấp. Chứng tỏ chùa trên địa bàn Kinh Môn không phải đơn thuần phục vụ tín ngưỡng tôn giáo của người dân mà là phục vụ cho tín ngưỡng, tôn giáo của vua, quan, Hoàng tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các chùa trên địa bàn huyện là cơ sở hoạt động cách mạng của chính quyền và nhân dân địa phương.
Bảo vệ và phát huy giá trị di tích triều Trần trên vùng đất Kinh Môn.
Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa triều Trần với số lượng lớn và mật độ phân bố dày đặc khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất Kinh Môn địa linh nhân kiệt.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Kinh Môn đã bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, danh thắng nói chung và các di tích thời Trần trên địa bàn. Hầu hết các ngôi chùa bị thời gian và chiến tranh tàn phá, được phục dựng, trùng tu, tôn tạo. Lễ hội truyền thống tại các di tích được tổ chức văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách. Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu tại Đền Cao An Phụ vào ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch hàng năm; Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương từ ngày 5,6,7 tháng 3 âm lịch hàng năm. Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, các di tích lịch sử - văn hóa đã phát huy giá trị giáo dục truyền thống trong nhân dân, góp phần bồi dưỡng, nhân cách con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Khu di tích lịch sử thời Trần ở Kinh Môn là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá lâu đời của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn - Bà Nguyễn Thị Liễu đang xem gốm thời Trần tìm thấy tại các chùa thuộc huyện Kinh Môn Rất nhiều đồ gốm cao cấp thời Trần được tìm thấy tại các chùa ở Kinh Môn. Chứng tỏ các chùa xây dựng thời Trần ở Kinh Môn có mối liên hệ mật thiết với Hoàng tộc.
Thiên nhiên ban tặng cho Kinh Môn những dãy núi đất, núi đá, đồng ruộng phù sa màu mỡ và những dòng sông hiền hòa. Kinh Môn từng là nơi sinh sống của người Việt cổ. Kinh Môn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng tạo ra những lợi thế riêng biệt về phát triển du lịch. Ngược dòng lịch sử, Kinh Môn vốn là vùng đất có sớm trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phủ Kinh Môn xưa là một phủ bao gồm các huyện Đông Triều (Quảng Ninh), Thủy Nguyên, Nghi Dương, An Dương, An Lão (Hải Phòng), Kim Thành (Hải Dương). Huyện Kinh Môn có khoảng 200 di tích; trong đó có quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đặc biệt gồm 03 di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; 15 di tích cấp quốc gia và 14 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hệ thống văn bia Ma Nhai (Động Kính Chủ) được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Với mục tiêu đưa Kinh Môn từ một địa phương phát triển nông, công nghiệp thành một trung tâm du lịch có sức hút lớn của cả nước, thời gian tới huyện tập trung xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; quy hoạch chung xây dựng thị xã và chương trình phát triển đô thị. Đồng thời, huy động tốt mọi nguồn lực để đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là quần thể di tích quốc gia đặc biệt; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, được các nhà khoa học quan tâm kêu gọi, hỗ trợ xây dựng bảo tàng cổ vật tại di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương để Kinh Môn xứng đáng là mảnh đất có bề dày lịch sử lâu đời, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh Hải dương nói chung, huyện Kinh Môn nói riêng một cách bền vững, xứng danh là “đất học, đất danh nhân, đất văn hiến” trong thời kỳ hiện đại và hội nhập quốc tế. /.
Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, PBT Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện