Dự lễ có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kinh Môn cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn
đọc diễn văn ôn lại thân thế và sự nghiệp của An Sinh Vương Trần Liễu
Đọc diễn văn tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết, An Sinh Vương Trần Liễu sinh năm Tân Mùi, Kiến Gia thứ nhất (tức năm 1211), là tôn thất thuộc hoàng tộc nhà Trần, con trưởng của Thượng hoàng Trần Thừa, anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần. Ông là người có chí lớn, ngày thường thì ung dung, hào hoa, gặp việc lớn thì sắt đá. Thời loạn lạc, phụ thân phải gánh vác việc nước, ông thay cha chu tất việc gia đình. Ông được vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên, phong là Phò mã đô uý, lại cấp đất A Sào (nay là phần đất hai xã An Đồng và An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) để làm thực ấp, phong tước Phụng Càn Vương. Nhờ đức lớn của ông mà dân khang vật thịnh. Từ A Sào, ông xây dựng cả vùng Phụ Phượng – Côi. Thực ấp A Sào gắn với thời trai trẻ của Phụng Càn Vương và Thuận Thiên Công chúa. Năm 1228, Phụng Càn Vương được điều về kinh thành lo việc triều chính, ông được phong chức Thái úy.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương (bên phải) gióng trống
và ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn thỉnh chiêng
Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ (nay thuộc Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay thuộc Đông Triều, Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh), ban cho ông làm thực ấp và phong tước An Sinh Vương. An Sinh Vương giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc. Từ dãy An Phụ, Yên Tử, ông đã xây dựng, kiến thiết khu vực ven biển Hải Đông thành vùng giàu có, mạnh về kinh tế, quốc phòng. Dân các huyện Kinh Môn, Đông Triều, Yên Hưng và nhiều nơi thờ ông làm thành hoàng.
Cuộc đời An Sinh Vương sống đạm bạc, lấy việc xây trang ấp giàu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Trong việc khai hoá vùng sơn dã thành một trung tâm văn hoá, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều, đều có công mở đường của An Sinh Vương.
Đại biểu, nhân dân và du khách dự lễ
An Sinh Vương Trần Liễu, thân sinh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã dành bao tâm huyết nuôi dạy con khôn lớn, tìm thầy giỏi rèn giũa con trai thành một người trung hiếu, văn võ toàn tài, nhân – nghĩa – trí – dũng, trở thành Anh hùng dân tộc. Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã thống lĩnh quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 (năm 1285) và lần thứ 3 (năm 1288).
Năm Tân Hợi, mùa hạ, tháng 4, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (1251), An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ An Phụ. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Khâm Minh Đại Vương, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ trên núi An Phụ.
Đại biểu, nhân dân và du khách dâng lễ
Tưởng niệm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu trở thành ngày hội truyền thống của địa phương từ nhiều thế kỷ qua. Lễ hội bắt đầu từ 26 tháng 3 đến mùng 1 tháng 4 âm lịch.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương thực hiện nghi lễ đúc chuông chùa Tường Vân
* Cũng trong buổi sáng cùng ngày, tại chân núi An Phụ (xã An Sinh, huyện Kinh Môn) đã diễn ra Lễ đúc chuông chùa Tường Vân. Chuông nặng 1.100kg, cao 1,8m, đường kính miệng là 1,1m, được phục dựng theo mẫu chuông chùa Vân Bản (Đồ Sơn, Hải Phòng) có niên đại thế kỷ thứ 14.
Đại biểu, nhân dân và du khách dự lễ đúc chuông
Chuông chùa Tường Vân là điểm nhấn kiến trúc linh thiêng, kết nối các công trình của chùa với cảnh quan núi rừng An Phụ; góp phần đáp ứng các nghi lễ tôn giáo truyền thống và công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương.
Theo Thời Báo MeKong