Sinh ra và lớn lên ở miền quê có truyền thống hát văn, đặc biệt thị xã Kinh Môn còn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa (là nơi biểu diễn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật hát văn) nên ngay từ nhỏ nghệ nhân Bùi Văn Chương đã được tiếp xúc và đam mê với loại hình này.
Năm 13 tuổi, trong một cơn bạo bệnh, nghệ nhân Bùi Văn Chương mất đi việc nhìn thấy ánh sáng. Biến cố này đã gây xáo trộn hoàn toàn cuộc sống của bản thân. Ông trời có lẽ đã công bằng khi cũng từ đấy đã để cho nghệ nhân Bùi Văn Chương khả năng nghe và cảm thụ các làn điệu được rõ hơn, ngấm hơn cái hay, cái tinh túy của nghệ thuật Hát Văn. Ngày ngày làm bạn với những làn điệu Hát Văn đã vun đắp lên niềm đam mê Hát Văn, thôi thúc nghệ nhân Bùi Văn Chương quyết tâm theo học bằng được.
Con đường “tầm sư học nghề” với những người bình thường vốn đã khó thì với 1 người khiếm thị lại càng khó hơn. Vượt qua những gian nan của người khiếm thị, men theo con đường làng gập ghềnh, khúc khuỷu, cỏ dại mọc um tùm, nghệ nhân Bùi Văn Chương tìm đến nhà các cụ cao niên để xin Văn cổ và được dạy hát. Rồi cứ thế phiêu theo từng điệu bỉ, điệu phú chênh, phú rầu. Mới đầu chỉ là hát vì đam mê. Nhưng niềm đam mê đã ngấm vào trong tâm trí, hơi thở của từng điệu văn, lúc trầm, lúc bổng, da diết. Để qua lời văn, người nghe hình dung được tướng mạo, tính cách của những bậc thánh như hiện diện về với lòng dân.
Tiếng lành đồn xa, lúc đầu là hát tại những buổi liên hoan văn nghệ của xã, rồi được mời đi hát tại những phủ của các thanh đồng, các cuộc giao lưu, liên hoan Diễn xướng hầu tháng ở khắp các nơi trong nước. Nghệ nhân Bùi Văn Chương đã tham gia các đoàn biểu diễn nghệ thuật hát Văn ở khắp các nơi, tham gia các cuộc thi, giao lưu và đã đạt nhiều giải cao như: Giải A tại Hội diễn “tiếng hát từ trái tim” của Hội người mù tỉnh Hải Dương năm 2009; Giải vàng tại hội diễn “Hát văn Bài ca mùa xuân dâng Đảng” Hội người mù toàn quốc năm 2011; Giải A tại Liên hoan hát văn các tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng năm 2014, Giải A tại Liên hoan Diễn xướng hầu Thánh toàn quốc vv…
Trải qua hơn 20 năm thực hành Hát Văn, nghệ nhân Bùi Văn Chương đã tích lũy được kiến thức và kỹ năng trình diễn xuất sắc 13 lối văn cổ; trong đó đặc biệt lưu tâm đến cách các cụ hát điệu cờn, điệu xá vốn được xem là linh hồn của hát văn. Đồng thời truyền dạy, đào tạo cho 57 học trò trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Trước những nguy cơ mai một của nghệ thuật dân gian truyền thống, Nghệ nhân Bùi Văn Chương với tâm niệm và mong muốn truyền lửa cho nhiều học trò thành nghề để góp phần giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ nghệ thuật Hát Văn nhằm bảo tồn di sản văn hoá dân tộc./.
Thu Xuân