Mô hình thu hút 26 hội viên tham gia là các hộ trồng và kinh doanh các sản phẩm từ cây vú sữa. Các hội viên cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm trồng và chăm sóc vú sữa, khoa học kỹ thuật trong nhân giống, phòng trừ sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng quả, cùng tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao; Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, liên kết hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm; Ban chủ nhiệm mô hình đứng ra thoả thuận tập thể với khách hàng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm quả vú sữa và cây giống cho hội viên; Tổ chức tham quan, học tập ứng dụng chuyển đổi số trong việc phát triển thương hiệu Vú Sữa An Lăng trên thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Phường An Phụ có hơn 7 ha trồng cây Vú Sữa, tập trung ở khu dân cư An Lăng. Do điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, kinh nghiệm trồng và chăm sóc của người dân, quả Vú Sữa An Lăng nổi tiếng về độ ngọt, thơm ngon, vỏ mỏng, nhiều cùi nên được thị trường ưa chuộng. Năng suất mỗi sào đạt từ 7 tạ đến 1 tấn quả. Trừ chi phí, người dân thu lãi 20-25 triệu đồng mỗi sào, 1 vụ. Mùa thu hoạch Vú Sữa kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Nhiều năm qua, cây Vú Sữa đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Hội nông dân phường An Phụ đang hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và thương hiệu tập thể Vú Sữa An Lăng để nâng cao giá trị trên thị trường./.
Thu Xuân