Mục tiêu chung: Cải thiện tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở thực phẩm. Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thị xã. Khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm được ghi nhận dưới 5,4 ca/100.000 dân.
Mục tiêu cụ thể: Nâng cao kiến thức hiểu biết, thực hành VSATTP của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát VSATTP của các Đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành từ thị xã đến cơ sở. Toàn thị xã phấn đấu kiểm tra trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phát hiện sớm và xử lý nghiệm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Ban chỉ đạo thị xã yêu cầu các cấp, các ngành triển khai tốt công tác thông tin tuyên truyền về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lũ xảy ra. Người dân tuyệt đối không thu hài, đánh bắt, kinh doanh sử dụng các động thực vật có độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ…; chú ý bảo đảm an toàn trong chế biến và sử dụng thịt cóc.
Định kỳ kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các nhà hàng phục vụ ăn uống tối thiểu một năm từ một đến hai lần (theo phân cấp quản lý). Kiểm tra các bếp ăn tập thể có trên 20 người ăn, tập trung vào bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, các trường công lập, bán công và tư thục.
Giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm: Củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm từ thị xã đến cơ sở. Tăng cường giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tới các đối tượng quản lý và người tiêu dùng, đồng thời đề ra các biện pháp kiểm soát.
Ngành y tế thị xã củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, khi có ngộ độc thực phẩm phải giữ nguyên hiện trường (tại cơ sở), thực hiện công tác báo cáo theo quy định của Bộ Y tế, tổ chức cấp cứu kịp thời, thu thập đầy đủ thông tin, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm đầy đủ, phối hợp với chính quyền cơ sở và các ban, ngành hữu quan, điều tra nguyên nhân và báo cáo kịp thời theo quy định. Các ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương tích cực tham gia hỗ trợ điều trị, cấp cứu, tẩy uế môi trường, khắc phục hậu quả khi có ngộ độc xảy ra để sớm ổn định đời sống nhân dân./.
Thu Xuân