Khó khăn của năm học mới 2023 – 2024 với ngành giáo dục thị xã vẫn còn rất bộn bề. Đó trước hết là cơ sở vật chất trường lớm học, cấp mầm non còn thiếu 65 phòng học, 65 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, 21 phòng phụ trợ và 8 phòng ăn bán trú. Cấp Tiểu học, Trung học cơ sở thiếu 124 phòng học tập, 65 phòng hỗ trợ học tập; 34 phòng phụ trợ. Nhiều trang thiết bị dạy học cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đã hết hạn sử dụng nhưng chưa được thay thế, bổ sung; chưa có thiết bị, đồ dùng của lớp 2, 3, 6, 7 để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; việc khai thác, sử dụng thiết bị, đồ dùng ở một số đơn vị còn hạn chế do đó chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực hành, thí nghiệm và giảng dạy theo phương pháp mới.
Rồi tiếp đến là câu chuyện về nhân lực. Trong suốt những ngày qua, đây là vấn đề được các cấp, các ngành và người dân ở nhiều địa phương trong cả nước quan tâm. Và với thị xã Kinh Môn cũng không nằm ngoại lệ. Qua rà soát, thị xã hiện còn thiếu 179 giáo viên ở cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Không chỉ vậy, vấn đề bất cập về cơ cấu bộ môn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục (như bậc Tiểu học thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học; bậc Trung học cơ sở bất cập về cơ cấu đội ngũ). Chính bởi vậy mà nhiều trường đang loay hoay tìm phương án phân công giáo viên “dạy bù” cho những tiết học thiếu giáo viên đó, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn cũng như hoạt động của nhà trường khi cả Ban giám hiệu và giáo viên đều phải “căng mình” tìm phương án.
Những khó khăn này không phải là giờ mới có, mà là câu chuyện ở cả những năm học trước. Dù vậy, nhìn lại thì ngành giáo dục thị xã đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm học 2023 – 2024, kết quả thi vào lớp 10 của thị xã có tiến bộ vượt bậc, xếp thứ 5 toàn tỉnh và tăng 7 bậc so với năm học trước. Đối với cấp Trung học cơ sở, kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh xếp thứ 6 toàn tỉnh, tăng 2 bậc. Bậc Tiểu học đã triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, 2, 3, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với cấp tiểu học. Bậc Mầm non: 100% trter mầm non đến trường được khám sức khoẻ định kỳ, theo dõi sức khoẻ bằng biẻu đồ tăng trưởng, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 1,35%....
Đó là kết quả, là thành công rất đỗi tự hào không chỉ của ngành giáo dục mà còn của toàn dân, vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Từ thành công của năm học trước sẽ là tiền đề, là bước đệm vững chắc để năm học này, chúng ta tin tưởng hơn, kỳ vọng hơn.
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Một năm học mới mang khởi nguồn cho những hy vọng mới. Phấn đấu, tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 – 18 tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt hơn 98,6%; triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 4, lớp 8; huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 46%, trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 99,5%; thị xã có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2…
Theo kế hoạch, năm học này, ngành giáo dục thị xã thực hiện 10 nhiệm vụ và giải pháp đó là: Quán triệt triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước; Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; Nâng cao tiêu chí phổ cập giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; Huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trường học đạt chuẩn quốc gia; Chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính; Đẩy mạnh các phong trào thi đua, công tác truyền thông giáo dục ….
Đó sẽ là những phần việc gian nan và không hề đơn giản. Thành công của một năm học, k hông chỉ là những con số về học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, trường học đạt chuẩn quốc gia. Mà quan trọng hơn là sự chia sẻ, đồng hành của các bậc phụ huynh và xã hội đối với ngành giáo dục là rất quan trọng./.
Thu Xuân