Động Kính Chủ thuộc xã Phạm Mệnh huyện Kinh Môn, nằm trục đường tỉnh 389 nối thị trấn Kinh Môn với bến phà Triều. Đến với động Kính Chủ, du khách được chiêm ngưỡng và tìm hiểu ít nhất là 4 lĩnh vực: Hang động của tạo hóa, thơ văn, làng nghề chạm khắc đá cổ xưa. Chùa thờ Phật và cung thờ Mẫu Tam Phủ. Động Kính Chủ là di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống bia ma nhai trong động năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật cấp quốc gia. Thật hiếm có điểm du lịch nào được như vậy.
Động nằm ở sườn dãy núi đá vôi có tên Dương Nham, Bổ Đà hoặc Xuyến Châu. Đó là dãy núi nằm trên bờ sông Kinh Thầy, duyên dáng soi bóng mình xuống dòng nước. Cửa động quay hướng Nam đón gió mùa hè mát rượi. Đứng ở đây, du khách có thể nhìn thấy núi chợ Trời và Tháp Bút là hai ngọn cao nhất của dãy núi đồ sộ này; Nhìn thấy đỉnh An Phụ nơi có đền thờ Trần Liễu và chùa Tường Vân( tức chùa Cao) ; thấy ruộng đồng, làng xóm và xa xa là thị trấn Kinh Môn sầm uất. Vào trong động, ta ngỡ ngàng trước bàn tay đẽo gọt khéo léo của tạo hóa để tạo ra hai vòm hang hình quả chuông, cao hun hút. Sâu vào trong là dòng suối nước trong vắt và mát lạnh. Suối chảy tới đâu chưa ai biết. Vòm động từng là nơi sinh sống của bày dơi hàng mấy ngàn con, cứ chập tối là đập cánh vù vù, túa ra khỏi hang đi kiếm ăn. Đây cũng là nơi sơ tán của nhà máy đóng tàu Hải Phòng thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong động có chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông. Một nhánh của động cửa quay hướng Tây, nằm thấp hơn, dẫn du khách vào với cung thờ Mẫu Tam Phủ. Tuần, rằm nơi đây thường tổ chức các cuộc hầu đồng. Tiếng trống, tiếng đàn, tiếng sáo... rộn ràng, hấp dẫn, cuốn hút nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Nét độc đáo nhất ở Động Kính Chủ là hệ thống bia Ma nhai khắc ngay vào vách đá với 54 tấm bia là số bia có nhiều nhất trong các hang động ở Việt Nam. Có bia ở thấp. Có bia ở cao. Lại có bia chót vót trên vòm động. Các văn bia này đến nay nét chữ vẫn còn nguyên vẹn vì không bị mưa nắng bào mòn. Hơn 50 văn bia nói trên có niên đại chính xác từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX. Tác giả của những văn bia cũng thật đa dạng: từ nhà Vua đến quan Đại Thần; từ quan Phủ, quan huyện đến du sĩ, giáo học cho đến chức dịch địa phương. Nội dung bia rất phong phú: bia ghi việc trùng tu chùa Dương Nham ở trong động. Bia ghi việc xây tam quan, tạc tượng đá, bắc cầu vào cổng chùa, bia ghi tên các vị đỗ đạt của cả huyện từ thời Trần đến đầu thế kỷ 17. Đặc biệt là có gần 20 bia khắc thơ. Có bài thơ hoàn chỉnh. Có bài thơ là bài minh cho văn bia. Về ký tự thì các văn bia này nhiều bia chữ Hán. Một số bia chữ Nôm, một số là chữ quốc ngữ. Tất cả đều do bàn tay tài hoa của người thợ đá thôn Dương Nham chạm khắc. Những nét chữ rất nhỏ, mềm mại, sắc cạnh; Những họa tiết trang trí như rồng uốn, hoa leo, chim đậu cùng các đường triện phức tạp và tinh xảo khiến ta ngạc nhiên và vô cùng thán phục. Các bài thơ khắc trên vách đá trong động hầu hết là thơ vịnh cảnh và bày tỏ cảm xúc của mình với đất nước, với quê hương.
Ngay vách đá cửa động là tấm bia khắc bút của vị quan Đại Thần thời Trần: Phạm Sư Mạnh. Cụ quê ngay xã Hiệp Thạch cùng tổng Dương Nham. Nhân chuyến đi duyệt quân các lộ, cụ đã chọn Động Kính Chủ làm nơi ở và đọc sách. Cảm xúc trước cảnh đẹp của quê hương, cụ đã làm bài thơ ngũ ngôn, có 18 câu. Chính tay cụ viết lên vách đá rồi cho thợ đục theo nét bút. Giọng thơ hào sảng gợi lại không khí hào hùng của một thời ông cha ta đánh giặc trên sông Bạch Đằng: “ Bạch Đằng sóng cuồn cuộn/ Tưởng tượng thuyền vua ngô/.../ Mặt bể ngàn chiến hạm/ Cửa non vạn bóng cờ...
Vào trong động, nhìn lên đỉnh động là bài thơ của vua Lê Thánh Tông, một vị minh vương giỏi cả văn lẫn võ, người đã minh oan cho Nguyễn Trãi; Người sáng lập Hội Tao đàn. Bài thơ gồm 22 câu theo thể thất ngôn, không chỉ ca ngợi sông núi Kính chủ “ ngoảnh nhìn tám hướng mênh mông thế/ Trời xanh bất tận núi muôn nơi” mà còn bộc lộ tư tưởng thiền, tâm thiền mang đầy tính nhân văn. Người yêu thơ không thể không say sưa với mấy bài thơ vừa khắc chữ Hán, chữ Nôm, vừa khắc ngữ Quốc ngữ. Đó là những bài thơ xuất hiện đầu thế kỷ XX (trước Cách mạng tháng Tám) của Du sĩ Trần Hữu Đáp, Trần Quốc Trinh, của ông quan thượng thư đã hưu trí Nguyễn Văn Đào. Ở những bài thơ này, bên những câu thơ ca ngợi cảnh đẹp Kính chủ: “ Dương Nham một thú yên hà/ Ấy là Làng Uyển hay là Bồng Lai” khiến du khách đứng trước “ Tranh Lục động, cảnh ngàn thu” đều có cảm giác “ Bụi trần cũng sạch, phúc tu cũng dầy” (thơ Trần Hữu Đáp), ta còn gặp những câu thơ ẩn ý sâu xa chứa đựng nỗi niềm về thời cuộc mà vì lí do nào đó không tiện nói ra: “ Kính Chủ là đây hỏi chủ đâu?” là câu thơ mở đầu. Câu thứ tám, kết bài “ Cảnh vẫn bền nguyên, dạ khác nhau”. Đặt bài thơ vào năm 1935 – năm ra đời của bài thơ ta sẽ hiểu được Trần Quốc Trinh muốn gửi gắm điều gì. Sang bài thơ của cụ Nguyễn Văn Đào, quan Thượng Thư đã về hưu ta cũng gặp những câu thơ đầy ám ảnh “ Tang thương mấy mặt vòng trần thế/ Sinh sự làm chi hỡi hóa công”. Bài thơ cụ làm trước CM tháng 8 là 6 năm. Đất nước lúc ấy như thế nào? Dân tình lúc ấy ra sao? Trả lời hai câu hỏi trên là ta hiểu cụ muốn nói gì.
Với gần 20 bài thơ trong động Kính Chủ, du khách là các nhà nghiên cứu, những sinh viên ngành văn hoặc những tao nhân mặc khách, những người yêu thơ... cần có thời gian, cần có không gian nơi “ trà dư tiểu hậu” để đọc, để ngâm ngợi và đàm đạo hẳn là sẽ vô cùng thú vị.
Động Kính Chủ, nơi danh lam thắng cảnh, nơi có nhiều dấu tích lịch sử, nơi có nhiều văn bia, có chùa, có cung thờ Mẫu tam phủ, dưới góc nhìn du lịch là một địa điểm vô cùng hấp dẫn với mọi du khách. Từ trí thức đến người bình dân; từ quan chức đến người lao động chân tay, tất cả đều có thể đến với động Kính Chủ. Đến đây mỗi người đều sẽ tìm thấy một điều thú vị cho riêng mình. Muốn làm cho du khách vui lòng, có lẽ ngành văn hóa, du lịch tỉnh Hải Dương, huyện Kinh Môn cần có một quy hoạch tổng thể về cảnh quan chung, động Kính Chủ nói riêng. Dỡ bỏ và xây lại đầu bờ tường chắn trước mặt tấm bia ở ngay cửa động; Có sơ đồ các bia trong động, đánh số bia cho khách dễ theo dõi. In các bia cả chữ Hán, lời dịch cho khách xem. In thành sách làm sản phẩm du lịch cho khách mua. Đặc biệt phải có người thuyết minh am hiểu về núi, về sông, hang động; am hiểu lịch sử núi và động; am hiểu thơ văn trong động để giới thiệu cho khách hiểu. Có thể ghi băng ngâm thơ theo lối cổ các bài thơ trong động Kính Chủ. Băng đĩa này cũng bán cho khách. Nhất là nên làm trên núi 5 chữ của vua Lê Thánh Tông: NAM THIÊN ĐỆ LỤC ĐỘNG.
Đến với động Kính Chủ, du khách phải được xem và nghe giới thiệu về làng nghề chạm khắc đá Dương Nham. Nên làm một nhà trưng bày thành phẩm nghề đá của làng; trưng bày các dụng cụ chạm khắc thủ công xưa để lại. Đồng thời có nhóm thợ lành nghề có thể thao tác chạm khắc đá cho khách xem khi có đoàn du lịch đến và họ có yêu cầu. Mặt khác nên nghĩ đến việc sản xuất những mặt hàng đá mỹ nghệ phục vụ du khách. Ít ra sau khi tham quan Kính Chủ, ngoài việc được xem, được chơi thì khách còn được mua vật gì làm kỉ niệm? Kính Chủ phải trở thành điểm du lịch hấp dẫn quanh năm đối với nhân dân cả nước mới xứng với hai danh hiệu cao quý mà nhà nước mới phong tặng.
Cộng tác viên Văn Duy