
Động Hàm Long được tôn tạo thành chùa Hàm Long từ thời nhà Trần, do Sư tổ Viên khai sáng, là nơi tu thiền và truyền bá Phật pháp của Thiền phát Trúc Lâm. Đây từng là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông do Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Động Hàm Long thờ Phật và danh tướng Yết Kiêu thời Trần. Ở cửa hang động có 6 tấm bia khắc vào vách đá từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, trong đó có 1 tấm bia khắc vào năm Hồng Đức thứ 27 (năm 1496) có giá trị cao về lịch sử. Ở phía trước động thuộc khu tiền đường cũ chùa Hàm Long còn có một tấm bia dựng vào năm 1718, ghi tên những người công đức chùa.
Từ động Hàm Long đi theo triền núi lên cao là động Tâm Long. Động này được nhân dân địa phương phát hiện vào năm 1992. Động rộng khoảng 200m2, hàng loạt nhũ đá mọc lên với muôn hình vạn trạng, có bột óng ánh như dát vàng.
Ra khỏi động Tâm Long, men theo đường mòn chân núi, chừng hơn 100 mét là đến hang Đốc Tít. Hang này trước có tên là hang Dơi, vì có rất nhiều dơi. Từ khi nghĩa quân Đốc Tít lấy hang này làm căn cứ chống Pháp thì hang mang tên ông. Hang rộng 1800m2, cao khoảng 40m, có sức chứa trên 1000 người. Bên vách phải của động có tấm đá hình con voi, chỗ cao nhất của vòm động phiến đá chìa ra, đó là nơi Đốc Tít từng ở.
Hệ thống hang động Hàm Long-Tâm Long-Đốc Tít không chỉ là công trình thiên nhiên tuyệt đẹp mà chứa đựng những giá trị lịch sử. Hệ thống hang động đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1993. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Lễ hội truyền thống chùa Hàm Long hàng năm được tổ chức trang trọng với các nghi lễ truyền thống và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Nguyễn Hậu- Duy Tuấn