Xã Bạch Đằng là điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của thị xã. Đồng chí Bùi Văn Khuê, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Bạch Đằng cho biết: “Quan điểm của địa phương trong xây dựng gia đình văn hoá là không chạy theo hình thức mà lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu, có sức lan toả. Vì thế, việc bình xét danh hiệu gia đình văn hoá được thực hiện nghiêm túc, thực chất. Hàng năm, xã tổ chức tuyên truyền để người dân nắm rõ tinh thần, nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hoá. Sau đó, hướng dẫn cho người dân tự nguyện phấn đấu. Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các thôn có trách nhiệm rà soát danh sách và gửi lên Ban chỉ đạo xã. Vào ngày hội đại doàn kết toàn dân tộc (18/11) hàng năm, các thôn đưa ra bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hoá. Tỷ lệ gia đình văn hoá ở xã ngày càng được nâng cao, hàng năm đều đạt từ 92-95%”.
Thực hiện phong trào xây dựng “gia đình văn hoá”, vai trò các tổ chức, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở được phát huy. Hội phụ nữ các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày gia đình Việt Nam như: Phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”… các cấp Hội Cựu chiến binh, Ban đại diện người cao tuổi hướng dẫn hội viên thực sự là những “cây cao bóng cả” tron giáo dục con cháu, phát triển kinh tế hộ. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của người dân về xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hoá trong các khu dân cư. Ở mỗi xã/phường, tuỳ điều kiện đã thành lập được các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, nhóm nòng cốt phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng vv… Hàng năm thị xã Kinh Môn có 95% trở lên gia đình được công nhận gia đình văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá 3 năm liên tục trở lên đạt trên 87%. Tại các thôn, khu dân cư, việc xây dựng gia đình văn hoá được đưa vào hương ước, quy ước; việc thự chiện hương ước đã trở thành tiêu chí quan trọng bình xét danh hiệu gia đình văn hoá. Từ hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hoá, các giá trị mới về tư tưởng, văn hoá, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội đã được khẳng định.
Tuy nhiên, phong trào xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn thị xã nói riêng cũng như ở nước ta hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do phát triển cá nhân đang làm phá vỡ những giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang có biểu hiện bị xuống cấp; tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình. Quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hoá với các nước trên thế giới đang diễn ra từng ngày, từng giờ làm biến đổi về cấu trúc của một bộ phận gia đình Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời phải giữ được bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tiếp thu những giá trị văn hoá mới của gia đình hiện đại, kế thừa, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư, để góp phần vào sự ổn định chung và phát triển bền vững của đất nước./.
Thu Xuân